Địa lý
Đan Mạch nằm ở khu vực Bắc Âu với địa
hình gồm bán đảo Jylland và 406 đảo nhỏ. Hai đảo lớn nhất là Sjælland và Fyn.
Ngoài ra, Greenland và đảo Færø cũng thuộc khối thịnh vượng chung Đan Mạch
nhưng có quyền tự trị. Địa hình Đan Mạch rất bằng phẳng, không có núi. Điểm cao
nhất tại đây là 173m so với mực nước biển. Đan Mạch có khoảng 7300 km đường biển
và không nơi nào trong đất liền cách xa bờ biển quá 100km.
Dân số
Dân số Đan Mạch khoảng hơn 5,5 triệu
người trong đó 90,5% là người Đan và 9,5% là người nhập cư. Có khoảng 14 ngàn
người Việt sống tại Đan Mạch. 85% dân số sống ở các thành phố. Thủ đô
Copenhagen là thành phố lớn nhất Đan Mạch, nằm trên đảo Sjælland và có khoảng
1,6 triệu người sống ở đây. Các thành phố lớn tiếp theo là Aarhus (hơn 300 ngàn
dân), Aalborg (gần 200 ngàn dân), Odense (khoảng 166 ngàn) và rất nhiều thành
phố nhỏ với dân số khoảng vài chục ngàn dân.
Tôn giáo
Hơn 90% dân số Đan Mạch theo đạo
Tin Lành và đóng thuế cho nhà thờ. Điểm nổi bật của việc thực thi đạo Tin Lành
tại Đan Mạch là việc tự do tư tưởng cho con chiên chứ không bó buộc họ trong
các lề luật. Linh mục có thể là nam hoặc nữ và được quyền lập gia đình. Khoảng
5% dân số theo đạo Hồi, chủ yếu nằm trong nhóm người nhập cư.
Hệ thống chính trị
Đan Mạch theo thể chế quân chủ lập
hiến. Hoàng gia rất được người dân yêu mến và tự hào. Nữ hoàng Margrethe II lên
ngôi từ năm 1972 và Bà là người ký vào các sắc luật trước khi được ban hành.
Tuy nhiên Hoàng gia không được quyền tham gia vào chính trị. Đan Mạch đại diện
cho nền dân chủ và ở đây áp dụng chế độ Tam quyền phân lập. Quyền lập pháp là của
quốc hội. Quyền hành pháp là của chính phủ. Quyền tư pháp là của toà án và cả
chính phủ lẫn quốc hội không có quyền can thiệp vào phán quyết của toà án.
Ở Đan Mạch ai cũng có quyền lập đảng
chính trị nếu họ thu thập đủ 20 ngàn chữ ký ủng hộ. Tuy nhiên việc đảng đó có
được tham gia vào quốc hội hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào bầu cử, thông
thường là 4 năm một lần. Các đảng phải có tối thiểu 2% số phiếu ủng hộ để dành
một trên tổng số 179 ghế trong quốc hội.
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Đan Mạch.
Tiếng Đan Mạch theo hệ chữ Latin, bảng chữ cái giống tiếng Anh nhưng khác là có
thêm các chữ æ, å, ø. Tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy và tiếng Thụy Điển rất giống
nhau. Họ có thể hiểu nhau khi nói chuyện với ngôn ngữ riêng của mình, giống như
cùng một ngôn ngữ nhưng với thổ ngữ và từ viết khác nhau. Ngữ pháp tiếng Đan giống
ngữ pháp tiếng Anh, cách đọc số thì giống cách đọc số tiếng Đức, vd: hai mươi mốt
thì đọc là một và hai mươi. Một số từ tiếng Đan có âm cuối là ''tion, ment''
thì phát âm giống như tiếng Pháp. Có rất nhiều từ tiếng Anh bắt nguồn từ tiếng
Đan mà nhiều người lầm tưởng ngược lại là tiếng Đan lấy từ của tiếng Anh. Điều
này bắt nguồn từ lịch sử, vì đã có thời gian Đan Mạch đánh chiếm và đô hộ
một phần phía Bắc nước Anh trong khoảng 300 năm.
Tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ
thứ hai tại Đan Mạch. Nếu bạn chỉ biết tiếng Anh thôi thì bạn không gặp vấn đề
gì về giao tiếp khi sống tại Đan Mạch. Người Đan Mạch nói tiếng Anh rất tốt do
tiếng Anh được dạy như ngôn ngữ bắt buộc từ lớp 4. Ngoài ra tiếng Đức cũng được
sử dụng phổ biến do Đan Mạch và Đức có chung đường biên giới và là bạn hàng lớn
của nhau. Một phần lãnh thổ cũ của Đan Mạch nay vẫn thuộc Đức.
Đan Mạch là thành viên của nhiều tổ
chức quốc tế như Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Hiệp ước Bắc
Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức y
tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế khác. Tuy là thành viên của Liên
minh châu Âu nhưng Đan Mạch sử dụng đồng kroner (DKK) chứ không dùng Euro. 1
kroner (DKK) tương đương 3800 đồng Việt Nam (VND).
Nền kinh tế Đan Mạch
Tổng GDP năm 2010 của Đan Mạch là
304,6 tỉ USD (Việt Nam: 104 tỉ USD), GDP/capita là 37.000 USD đứng hạng 30 trên
thế giới. Cơ cấu ngành trong GDP là nông nghiệp (1,1%), công nghiệp (22,8%) và
dịch vụ (76,1%).
Kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch
năm 2010 là 99,37 tỉ USD cho các mặt hàng máy móc thiết bị, thịt và các sản phẩm
của thịt, sản phẩm từ sữa, cá, dược phẩm, đồ nội thất, cối xay gió. Các bạn
hàng xuất khẩu của Đan Mạch bao gồm Đức 17.53%, Thụy Điển 12.68%, Vương quốc
Anh 8.49%, Hoa Kỳ 6.05%, Na Uy 6.01%, Hà Lan 4.84%, Pháp 4.57% (2009)
Kim ngạch nhập khẩu của Đan Mạch
năm 2010 là 90,83 tỉ USD cho các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên liệu và bán
thành phẩm cho ngành công nghiệp, hóa chất, ngũ cốc, thực phẩm,
hàng tiêu dùng. Các bạn hàng nhập khẩu của Đan Mạch bao gồm Đức 21.07%, Thụy
Điển 13.18%, Na Uy 7%, Hà Lan 6.97%, Trung Quốc 6.22%, Vương quốc Anh 5.53%
(2009)
Các danh nhân và doanh nghiệp
lớn của Đan Mạch
Tuy Đan Mạch là một nước nhỏ bé
nhưng họ có những danh nhân và doanh nghiệp lớn với tên tuổi nổi tiếng khắp
thế giới. H.C Andersen được trẻ em trên toàn thế giới biết đến với những câu
chuyện cổ tích kỳ diệu của ông. Đan Mạch có rất nhiều nhà thiết kế nổi tiếng thế
giới. Nhà hát con sò Sydney Opera House do nhà kiến trúc sư Jørn
Utzon thiết kế là một ví dụ. Đan Mạch cũng từng đoạt giải Nobel, Oscar và
rất nhiều giải thưởng quốc tế tên tuổi khác.
Danfoss, Grundfos, A.P.
Moller-Maersk Group, B&O, Novo Nordisk, F.L.Smidth là những tập đoàn quốc tế
lớn nổi tiếng thế giới. Vestas tuy nhỏ hơn nhưng cũng chiếm 28% thị phần thị
trường năng lượng gió toàn cầu. Oticon, Widex and GN Resound là ba trong sáu
nhà sản xuất thiết bị trợ thính lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp Đan Mạch mở rộng
hoạt động kinh doanh và đầu tư trên toàn thế giới.
Thương mại song phương Việt Nam -
Đan Mạch
Kim ngạch thương mại song phương của
Việt Nam và Đan Mạch đang tăng dần hàng năm với trị giá khoảng 2 tỉ kroner
(DKK) trong đó xuất khẩu từ Đan Mạch sang Việt Nam năm 2008 là khoảng 952 ngàn
kroner (DKK) và nhập khẩu từ Việt Nam vào Đan Mạch năm 2008 là khoảng 1 tỉ
kroner (DKK, 2008). Tuy nhiên con số này còn quá khiêm tốn so với kim ngạch
thương mại song phương của Đan Mạch với các nước châu Á khác trong khu vực như
Thái Lan (4,2 tỉ kroner (DKK), Trung Quốc (40 tỉ kroner (DKK).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của
Việt Nam sang Đan Mạch là dệt may, quần áo, phụ kiện, đồ gỗ và các sản phẩm cá.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đan Mạch sang Việt Nam là thực phẩm và các
sản phẩm cá, các thiết bị điện, máy móc, kim loại, máy
móc dùng trong công nghiệp.
Những năm gần đây Việt Nam trở
thành một điểm gia công quan trọng cho các nhà sản xuất Đan Mạch trong lĩnh vực
sản xuất đồ gỗ, quà tặng, may mặc, phần mềm và nhiều sản phẩm khác. Các doanh
nghiệp Đan Mạch đang tăng dần sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Họ chọn Việt
Nam như một giải pháp thay thế hoặc bổ sung cho hoạt động của họ tại Trung Quốc
và họ gọi đây là chiến lược Trung Quốc +1.
Đan Mạch có nhiều chương trình viện
trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 1 tỉ USD tính từ năm 1994 trong đó chú
trọng việc phát triển môi trường và xã hội Việt Nam.
Đan Mạch có nhiều chương trình hỗ
trợ cho khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tại Việt Nam như DANIDA, B2B,
Mixed Credit. Hiện tại có khoảng 120 doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam
trong đó khoảng 70% được thành lập từ năm 2005. Quỹ Công nghiệp hoá cho các nước
đang phát triển (IFU) đã đầu tư vào một số dự án của các công ty Đan Mạch tại
Việt Nam.